Một vẻ thâm trầm, thêm vào đó là bộ quân phục màu xanh thẫm và những ngôi sao trên cầu vai. Không cần nhìn mặt mũi, chỉ phía sau lưng thôi cũng đủ để nói lên sức hấp dẫn vô cùng của người đàn ông ấy.
Anh ta đi qua làn đường dành cho người đi bộ, ngồi vào trong chiếc xe thể thao do Nhật Bản sản xuất màu trắng. Bên cạnh xe là tấm biển ghi: Cấm đỗ xe.
Người đàn ông lên xe, khởi động máy nhưng không lái xe đi. Thời gian như ngưng lại, mọi thứ trước mắt đều trong trạng thái ngừng vận động. Ấn Chung Thiên không biết từ lúc nào đã bước tới bên tôi, nhìn theo ánh mắt tôi.
“Em đang nhìn gì vậy?” Anh nói, khẽ đặt bàn tay lên bờ vai trần của tôi, giọng nói dịu dàng hơn hẳn ngày thường.
“Không có gì. Chiếc xe kia rất đẹp.”
Tôi vừa dứt lời thì chiếc xe bất ngờ lao vút ra đường chính, chạy về phía ngã tư. Đúng lúc đèn tín hiệu ở ngã tư chuyển sang màu đỏ, người cảnh sát giao thông đang ra hiệu cho các làn xe di chuyển. Chiếc xe kia vẫn lao vọt lên, khiến cho những chiếc xe được phép lưu thông đều phải phanh két lại.
Người cảnh sát giao thông cũng chỉ biết đứng nguyên tại chỗ, mở to mắt nhìn chiếc xe kia lao qua.
Đi một ngày như vậy, buổi tối tôi lại phải trực. Vừa thay xong chiếc áo blouse, chưa kịp ngồi xuống nghỉ ngơi thì đã có người tới gõ cửa phòng trực. Tôi mở cửa, nhìn thấy một người phụ nữ da mặt vàng sạm, nước mắt chan chứa, bất giác tôi thầm kêu một tiếng.
Chồng của người phụ nữ ấy là bệnh nhân của chúng tôi, anh ta bị ung thư gan giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn tới phổi và đường tiêu hóa, bây giờ đã bị xuất huyết ở đường tiêu hóa, có dấu hiệu sắp qua đời. Hôm qua, chủ nhiệm khoa đã thông báo cho gia đình chuẩn bị hậu sự, nói rằng anh ta khó lòng qua được đêm nay.
“Bác sĩ Bạc, xin chị hãy cứu anh ấy!” Người phụ nữ kéo vạt áo tôi, khóc lóc cầu khẩn. “Mong chị hãy cố nghĩ cách, nếu không cứu được anh ấy thì cũng làm cho anh ấy sống thêm vài ngày nữa...”
“Chị yên tâm, tôi sẽ cố gắng hết sức.” Tôi đi tới buồng bệnh, người bệnh không nói được nữa, nhìn thấy tôi, ú ớ kêu... Dường như anh ta muốn nói rằng không nỡ để lại đứa con gái mới hai tuổi, không muốn ra đi như thế này.
Nhìn thấy người thân, bạn bè của anh ta vây kín xung quanh, tôi nhẹ nhàng nói với người nhà của anh ta: “Mọi người ra ngoài hành lang đi, bệnh nhân cần được yên tĩnh.”
Sau khi mọi người lần lượt ra ngoài, tôi bảo y tá tiêm cho anh ta một liều thuốc giảm đau, tôi không biết khả năng nghe của bệnh nhân thế nào, nên ghé sát vào tai anh ta, nói: “Đây là loại thuốc chống ung thư mới nhất của Mỹ, hiệu quả rất tốt.”
Anh ta nằm im, nhìn tôi bằng ánh mắt cầu khẩn.
“Anh hãy cố gắng lên, ngày mai sẽ sắp xếp mổ lần hai cho anh, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia giỏi nhất trong nước…”
Anh ta gật đầu, bàn tay khô gầy đưa ra, nắm lấy cổ tay tôi. Tôi biết mình không cứu được người bệnh, điều duy nhất có thể giúp anh ta lúc này là ở bên và mang đến cho anh ta một tia hy vọng, giúp anh ta trải qua đêm cuối cùng một cách nhẹ nhàng. Một tiếng sau, người bệnh thở mỗi lúc một khó khăn, nhưng anh ta vẫn cố gắng.
Tôi mỉm cười an ủi: “Đừng căng thẳng. Ba năm trước cha tôi cũng bị ung thư, bị u bạch huyết, là căn bệnh dễ di căn nhất... Ông ấy từng nói, điều đáng tiếc nhất là không được nhìn thấy tôi lấy chồng... Thế mà bây giờ, ông ấy vẫn đang sống khỏe mạnh... và đang chờ để bế cháu ngoại... Ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa, anh nhất định không được bỏ cuộc.”
Người bệnh vẫn cố gắng thở, tim đập rất yếu, tôi gọi y tá: “Hãy tiêm trợ tim!”
“Bác sĩ Bạc?”
“Đi lấy thuốc đi!”
Biết rõ tất cả những việc làm ấy là vô ích, nhưng tôi vẫn gắng hết sức để giành giật từng giây, từng phút sự sống cho họ...
Người bệnh nắm chặt cổ tay tôi, mở to đôi mắt tuyệt vọng. Tôi tháo bình chụp oxy ra khỏi mặt người ấy: “Anh còn có điều gì muốn nói nữa không?”
Người bệnh gật đầu, nhìn người vợ khóc đến sắp ngất đi, rồi nói ra hai từ, đó là tên của đứa con gái, một cách rất rõ ràng.
Thế là anh ta đã ra đi, người vợ không thể khóc được nữa, cứ ngồi dưới đất lảm nhảm một mình: “Tôi biết làm gì bây giờ? Sau này tôi biết làm gì...”
Câu hỏi này tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng đáp án thì chỉ có một: “Vì cha mẹ, vì con cái, phải tiếp tục sống, sống cho tử tế.”
Có thể sẽ rất khó khăn, có thể sẽ vô cùng vất vả, nhưng so với rất nhiều những người đã chết thì ít ra chúng ta vẫn đang được sống.
Tôi bước ra khỏi buồng bệnh, tinh thần và thể xác đều vô cùng mệt mỏi, đúng lúc ấy nghe thấy tiếng của hai y tá đang bàn tán.
“Cậu nói tới anh chàng đẹp trai nào cơ? Sao tớ lại không nhìn thấy?”
“Là người đứng ở hành lang ấy, rất đẹp trai, còn đẹp trai hơn cả thư ký Ấn...” Y tá khác nói.
Tôi không biết nên nói gì.
Vì đã chứng kiến quá nhiều cảnh chết chóc nên họ cũng trở nên trơ lì, có lẽ qua một thời gian nữa tôi cũng sẽ trơ lì như họ, vì thế tôi không muốn trách cứ gì họ.
“Thế à? Mình thì cứ bận tối mắt ở bên trong.” Một cô y tá nói vẻ tiếc nuối.
Một người nữa mang thuốc tới, nghe thấy mọi người nói chuyện ấy cũng xen vào: “Các cậu nói tới người đàn ông ở bên ngoài buồng bệnh số bảy chứ gì? Trông rất phong độ, có phải anh ta là đồng nghiệp của bệnh nhân đó không nhỉ?”
“Không phải đâu, anh ta tới tìm...”
Vừa nói đến đây, nhìn thấy vẻ mặt lạnh lùng của tôi, cô y tá vội lên tiếng: “Bác sĩ Bạc.”
“Xin chào!” Tôi gật đầu, cố giữ cho giọng nói bình thường. “Vẫn chưa giao ban à?”
“Lát nữa ạ!”
Cô y tá do dự một lát, định hỏi tôi điều gì đó rồi lại thôi.
Đêm đó tôi không ngủ, mặc dù đầu căng ra nhưng chẳng có tâm trạng nào nói chuyện với bọn họ. Thay đồ xong, tôi vội vàng đi ra khỏi cổng bệnh viện.
Tức ngực tới mức khó thở, tôi rất muốn khóc, nhưng không sao khóc được... Ba năm rồi, kể từ khi rời khỏi Osaka, tôi không thể khóc được nữa. Tôi ngồi trong xe, hạ cửa kính xe xuống, ra sức hít thở để cho không khí tràn vào phổi. Tôi định dựa vào ghế nghỉ ngơi một lát, vừa nhắm mắt đã thiếp đi.
Trong mơ, một người cứ nắm chặt lấy cổ tay tôi, nhưng tôi không nhìn rõ mặt người ấy, chỉ nghe thấy một tiếng gọi như muốn vỡ ra: “Cô bé... cô bé...”
Tôi buồn tới mức bàn tay cũng run lên, định gỡ ra, nhưng không sao nhấc nổi tay. Nỗi buồn và tủi thân chồng chất, không sao trút bỏ được, tôi đã khóc, nước mắt tuôn trào, mọi buồn bực được trút bỏ. Khi tỉnh dậy, tôi đưa tay lau đôi mắt ướt đầm, chiếc nhẫn đính hôn lạnh ngắt, suýt nữa cào vào mắt.
Tôi lại đưa tay sờ lên dấu vết người bệnh để lại trên bàn tay, bỗng nhớ đến một việc quan trọng. Hai tuần trước, người nhà một bệnh nhân không kiềm chế được đã đẩy tôi ngã, cánh tay không may va vào khung sắt, khiến cho vỏ chiếc đồng hồ bị vỡ. Tôi cầm tới cửa hàng đồng hồ để sửa, họ nói máy của đồng hồ cũng bị hỏng, nhưng họ không có linh kiện để thay, bảo tôi tới bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà máy Hải Âu. Tôi lại cầm tới quầy chuyên về đồng hồ, nhân viên ở đó vừa nhìn thấy lập tức tỏ ra rất ngạc nhiên, một mực nói rằng chưa hề bán loại đồng hồ đó. Tôi nói chiếc đồng hồ này rất quan trọng với tôi, chỉ cần chữa được, tốn bao nhiêu không quan trọng.
Tôi gọi điện tới nhà máy hỏi, nhân viên yêu cầu mang tới để kiểm tra, rồi hẹn tôi nửa tháng nữa tới lấy. Vừa nhớ tới chiếc đồng hồ đó, tôi không chờ được nữa, bèn lái xe về phía một khu mua sắm. Bước vào khu mua sắm, tôi chạy ngay đến quầy bán đồng hồ Hải Âu, hỏi người bán hàng: “Chiếc đồng hồ tôi mang tới hôm trước đã sửa được chưa?”
“Xin hỏi, chị nói chiếc đồng hồ nào ạ?”
“Là loại đồng hồ đôi, màu trắng. Tôi mang tới nửa tháng trước, cô nói là mang tới nhà máy kiểm tra...”
Người bán hàng lúc đó mới nhớ ra: “Chị chờ một lát.” Một lát sau, giám đốc ở đó cầm ra một chiếc hộp xinh xắn.
“Sửa xong rồi à?” Tôi vội hỏi.
“Xin lỗi!” Giám đốc trả lại chiếc đồng hồ cho tôi. “Xưởng của chúng tôi không có linh kiện.”
Tôi không hiểu: “Chiếc đồng hồ này chẳng phải là hàng của Hải Âu sao?”
“Đúng thế. Người của nhà máy nói rằng đây là chiếc đồng hồ mà tổng giám đốc ra lệnh làm, khách hàng rất kén chọn, thời gian lại rất gấp. Vì vậy, chiếc đồng hồ này ngoài vỏ ngoài và nhãn hiệu là của Hải Âu, các linh kiện còn lại đều lấy từ loại đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ.”
Chẳng trách vừa va chạm mà vỏ ngoài đã vỡ, thì ra chỉ có vỏ và nhãn hiệu là của Hải Âu.
“Rất xin lỗi!” Giám đốc nói vẻ mặt áy náy. “Không phải là chúng tôi không chịu trách nhiệm sửa chữa, mà vì loại đồng hồ này chúng tôi chỉ làm có một đôi nên không có linh kiện thay cho chị...”
“Tôi hiểu rồi.” Tôi lại hỏi: “Nếu tôi bỏ tiền ra thì sao?” “Máy là kiểu Jaeger, độ tinh xảo cao, giá rất đắt. Nếu chiếc đồng hồ này có ý nghĩa với chị như vậy, chi bằng chị hãy giữ nó làm kỷ niệm...”...
Quét Virus: An toàn