Chú tôi quyết định sau khi sắp xếp ổn thỏa việc ly hôn và công việc trong miền Nam, chú sẽ chuyển về sống hẳn ở Hà Nội. Chú muốn bắt đầu lại ở đây, muốn thuê một ngôi nhà để đón bà và tôi về sống cùng rồi chúng tôi là một gia đình, một gia đình đã đi qua đủ mọi sóng gió của số phận để được sống an lành bên nhau. Tôi mừng đến rơi nước mắt, vậy là ước mơ bao lâu nay của tôi sắp thành hiện thực rồi, tôi lại sắp được chui vào lòng bà hít hà mùi trầu thơm nồng, sắp được nấu những bữa cơm đúng nghĩa cho một gia đình. Và hơn hết, tôi lại được trao yêu thương và nhận lại yêu thương từ những người thân thiết nhất. Bỏ mặc tiền bạc, bỏ mặc danh vọng, bỏ mặc những thắng - thua, được - mất ở ngoài cánh cửa, chúng ta chỉ đón tình yêu thương vào nhà thôi, chú nhé!
Tiễn chú ra sân bay rồi trở về, lòng tôi vẫn không thể nguôi cảm giác rạo rực, hào hứng chuẩn bị cho một cuộc sống mới, ở đó, tôi không còn là con bé ngất ngưởng, sống vất vưởng bên lề cuộc đời nữa. Tôi vui mừng đến độ, nhấc điện thoại lên và gọi điện cho Bắp Ngô hát vang bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao...” rồi cúp máy. Báo hại Bắp Ngô hốt hoảng gọi điện lại.
“Này, làm sao đấy? Tôi có phải đưa cô đến trại tâm thần không?”
“Khỏi cần, tôi tự tìm đường đến đó được.”
“Cái gì? Điên thật rồi à?”
“Không! Tôi đang vui!”
“Đồ dở hơi, tôi bảo lúc buồn thì gọi cho tôi cơ mà, vui cũng gọi à?”
“Ừ nhỉ! Thế thì cúp máy đây!”
“Khoan đã, ở đâu tôi đến! Vừa xong một ca phẫu thuật!”
“Thế à? Thành công chứ?”
“Thành công!”
“Tốt! Đến đây đi, tôi chờ!”
Tôi cúp máy và tạt vào quán café bên đường, ngồi nhắn địa chỉ cho Bắp Ngô đến. Nếu có Sâm Cầm ở đây, tôi sẽ không gọi cho anh ta đâu, nhưng mà... thôi thì “vắng trăng ta mượn tạm sao” vậy, có mất gì đâu.
Bắp Ngô mặt tươi như hoa đi vào quán, trông trang phục của hắn là tôi biết vừa mổ xong thật, chiếc áo len cao cổ màu ghi vẫn xắn hết cả ống tay lên, áo khoác hắn buộc vắt sang hai vai chứ không mặc, có vẻ như hắn đã rất vội.
Bắp Ngô hí hửng ngồi xuống bàn, hỏi dồn tôi chuyện gì vui, trông mặt hắn háo hức y hệt một đứa trẻ sắp được nhận quà vậy. Tôi nhăn nhở đùa:
“À, có gì đâu, tôi vừa có người yêu!”
“Cái gì?”
Mặt Bắp Ngô chùng xuống, hắn bặm môi, thở dài một cái rồi ngước mắt nhìn tôi.
“Thế mà cũng nói là tin vui à?”
“Ơ hay, vui thế còn gì nữa, tôi đang vui lắm đây này.”
“Vui... cái... con khỉ! Tin như tin tận thế mà bảo vui! Thôi, tôi về đây.”
Bắp Ngô đứng dậy, thở dài một cái rồi định đi, tôi bật cười túm tay hắn lại.
“Ối giời! Tôi đùa thôi! Tôi vui chuyện khác cơ!”
“Thật không? Chuyện này không đùa đâu đấy!”
“Thật mà! Tôi vừa gặp chú tôi xong.”
Bắp Ngô từ tốn ngồi xuống, lần này đưa mắt nhìn tôi một cách đầy cảnh giác, hắn chờ đợi tôi nói chứ không háo hức như lúc trước nữa. Chắc lại sợ tôi lừa đây!
Tôi kể cho Bắp Ngô chuyện về chú và thím tôi, chuyện bà tôi, chuyện về kế hoạch về ở chung nhà của chú cháu tôi. Bắp Ngô ngồi lắng nghe tôi nói y hệt một học trò ngồi nghe cô giảng bài vậy, đôi khi tôi suýt bật cười vì thái độ nghiêm túc và trịnh trọng của hắn. Nhưng, tôi không cười nhạo điều đó, vì tôi biết rằng Bắp Ngô nghe chuyện của tôi bằng tất cả sự cảm thông và chia sẻ, nói một cách khác hơn, hắn nghe câu chuyện đó bằng cả trái tim.
Tôi đang say sưa vạch kế hoạch cho cuộc sống sau này thì Bắp Ngô đột ngột ngắt lời:
“Cô có mời tôi về ở cùng không?”
Tôi trợn mắt nhìn Bắp Ngô:
“Điên à? Anh liên quan gì đến nhà tôi hả?”
“Sao lại không liên quan, tôi là bác sĩ, mà bà nội cô đang như thế thì cũng cần một bác sĩ chăm sóc chứ!”
Tôi nhíu mày nhìn hắn, quả thật cũng có chút hợp lý. Nhưng mà, cho hắn về ở nhà mình thì thật là... vô duyên hết mức.
“Tôi sẽ cân nhắc! Anh đừng hòng lừa tôi để tiết kiệm tiền thuê nhà nhé! Tôi chỉ nhờ đến anh những lúc bà tôi không được khỏe thôi, còn lại thì... biến.”
“Thế cũng được! Kể cả những lúc cô không được khỏe nữa nhé.”
“Tất nhiên rồi, cả chú tôi nữa!”
“À, cái này thì... không được đâu! Tôi chỉ chữa cho phụ nữ thôi!”
“A, đồ biến thái!”
Tôi ném chiếc khăn giấy trên bàn về phía Bắp Ngô, Bắp Ngô đón lấy nó rồi cười ha hả. Ôi, cái anh chàng Bắp Ngô này, lúc thì thật đáng ghét, nhưng có lúc rất đáng yêu. Hồi trước, tôi gọi hắn là Bắp Ngô quả không sai, một con người bên ngoài có nhiều lớp vỏ, cứ tưởng sẽ lạnh lùng, sẽ kín bưng khó gần nhưng bên trong lại ngọt ngào dễ thương như những... hạt ngô vậy. May mà cuộc đời này còn có Bắp Ngô để thỉnh thoảng vui, buồn tôi còn có chỗ để sẻ chia.
Tôi và Bắp Ngô lại ngồi đua nhau kể chuyện, đủ các thứ chuyện trên đời. Mà thực ra, chỉ có tôi nói còn Bắp Ngô ngồi nghe thôi. Khổ, tính tôi khi buồn thì rất ít nói nhưng lúc vui lại nói không kìm hãm được. Ngày trước, mỗi lần tôi vui là Sâm Cầm lại gào lên “cảnh báo” tôi phải kiềm chế mình lại, nếu không nó sẽ đeo tai nghe vào cho đỡ... phiền! Còn bây giờ, Bắp Ngô lại lắng nghe tôi với kiểu vô cùng nhẫn nhịn và thành tâm. Có thể hắn sợ tôi phật lòng nên mới thế, mà cũng có thể hắn thấy tôi nói chuyện rất... hấp dẫn chẳng hạn. Suy cho cùng, dù hắn lắng nghe tôi vì bất cứ lý do nào đi nữa thì tôi vẫn lấy làm cảm kích vì Bắp Ngô đã ngồi và “chịu đựng” tôi lâu đến vậy.
Câu chuyện của tôi đang đến đoạn cao trào thì Bắp Ngô có điện thoại. Hắn vội vã đứng dậy, nói là ở bệnh viện có ca cấp cứu, hắn phải về ngay. Tôi gật đầu lia lịa, nhưng Bắp Ngô lại túm lấy tay tôi, kéo ra ngoài.
“Cô cũng về luôn đi, tối rồi, lơ ngơ một mình không được đâu.”
“Anh cứ đi đi, tôi sẽ đi xe buýt về, xe máy tôi để ở nhà xuất bản mất rồi.”
“Không được, xe buýt chờ lâu, nguy hiểm, đi taxi đi.”
Hắn ta vừa trả tiền, vừa kéo tôi ra đường, tôi chưa kịp phản ứng gì, Bắp Ngô đã đẩy tôi lên chiếc taxi chờ khách trước cửa quán rồi vội vã chạy đi. Ối giời ơi, để tôi đi xe buýt không được à? Anh có biết từ đây về nhà tôi phải mất gần hai trăm nghìn tiền taxi không hả? Tôi nghèo chứ đâu có giàu như anh mà một bước taxi, hai bước cũng taxi nốt chứ.
Tôi lầm bầm rủa sả Bắp Ngô, nhưng Bắp Ngô đã biến mất từ đời tám hoánh nào rồi, chỉ còn lại anh lái taxi vừa lái xe vừa liếc tôi qua gương chiếu hậu. Tôi cũng liếc anh ta liên hồi và bắt đầu lẩm nhẩm tính toán. Sau mấy phút suy nghĩ, tôi vỗ vỗ vai anh taxi một cách thân thiện và nhờ anh ta chở đến bến xe buýt gần nhất. Anh ta nhíu mày vẻ khó chịu, nhưng tôi hứa sẽ trả anh ta thêm tiền cho quãng đường ít ỏi vừa rồi, mặt anh ta có vẻ giãn ra.
Tôi xuống xe ở bến xe buýt, mất gần năm mươi nghìn cho anh lái taxi, nhưng chả sao, tính cả tiền xe buýt để về đến nhà nữa là mất khoảng hơn sáu mươi nghìn, vẫn còn rẻ chán so với hai trăm nghìn tiền taxi. Đấy, ở đời này, bạn mà không biết tính toán thì chỉ tổ... tốn tiền thôi.
Tôi ngồi chờ mãi chẳng thấy xe buýt số 42 đâu, mất hết kiên nhẫn, tôi quyết định đi dạo dạo quanh khu vực gần đó, nếu nhìn thấy xe đến thì chạy theo vẫn kịp. Thế là tôi bước nhanh ra shop thời trang gần đó, nhưng ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại sững người đứng ngắm... váy cưới của hàng bên cạnh.
Thật ra, con gái dù có người yêu hay không có người yêu thì đều thích ngắm váy cưới và mơ mộng đến ngày mình được khoác nó lên người như thế nào. Tôi cũng không ngoại lệ, chiếc váy cưới trắng tinh mà người ta treo trong tủ kính kia trông rất đơn giản nhưng lại sang trọng, tôi mê mẩn ngắm nghía cả mảnh voan treo gần đó nữa. Ôi chao! Đến giờ một mối tình vắt vai còn chưa có thì nói gì đến mặc váy cưới mà mơ tưởng cơ chứ.
Bất giác, tôi nhận ra dáng của ai đó rất quen, tôi tiến đến gần hơn, ghé mắt vào nhìn. Trời ạ! Tôi không nhìn nhầm đấy chứ! Người đứng bên trong tiệm với bộ vest bảnh bao của chú rể không ai khác chính là Ria Mép! Tôi bàng hoàng xoay người lại, không lẽ tôi hoa mắt nên nhìn nhầm? Rất có thể anh ta chỉ giống Ria Mép mà thôi. Đắn đo một lúc, tôi quyết định nhìn lại lần nữa cho chắc chắn. Và đúng thật, tôi không nhầm, người đứng đó là Ria Mép, và cô dâu đang thử váy cưới kia đang cười rất hạnh phúc với anh ta. Cô dâu thật xinh đẹp và có vẻ dịu dàng. Ria Mép cũng cư xử với cô ta bằng vẻ điềm đạm khác hẳn với cái kiểu hổ báo, ương ngạnh như khi đi cùng tôi và Sâm Cầm.
Tôi lặng lẽ bước đi, tại sao anh ta lại làm thế? Sao anh ta không nói gì? Tôi chợt nghĩ đến Sâm Cầm, nó biết tin này thì sẽ thế nào đây? Tôi biết chắc nó cũng có tình cảm với Ria Mép, nó cũng đang chờ đợi một tín hiệu nào đó từ anh ta. Nhưng, giờ nếu nó biết được chuyện này thì sẽ ra sao? Nó còn có động lực để tiếp tục cuộc chiến với bệnh tật nữa hay không? Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Ria Mép dù yêu Sâm Cầm đến mấy cũng không hề mở lời, nhưng, nếu anh ta yêu Sâm Cầm, thì chẳng lẽ nào anh ta không yêu người vợ sắp cưới của mình? Nếu không yêu thì cưới làm gì? Tôi không nghĩ rằng anh ta bị ai đó ép cưới, vì với người ngang tàng như Ria Mép thì khó ai bắt anh ta làm việc mà anh ta không muốn được. ...
Quét Virus: An toàn