Tóm tắt truyện:
Mỗi tập truyện trong Độc Thân, Cần Yêu đều có một điểm chung giữa các nhân vật, đó là họ đều là những người độc thân. Họ không phải là những người trẻ, có thể đã làm mẹ hoặc đã từng kết hôn nhưng tất cả đều cần yêu.
Không chỉ họ mà chính chúng ta cũng vậy, cần tình yêu để làm cuộc sống thêm ý vị và như một chất xúc tác hữu ich. Đọc Độc Thân, Cần Yêu biết đâu bạn lại tìm thấy mình giống một ai đó nhỉ ?
Chương 1: Bốn Mùa 1881
Chuyến bay bị hoãn vì sương mù, bên hàng không bố trí cho nàng về một khách sạn cách nhà anh chỉ hai dãy phố. Nhưng nàng không gọi cho anh, nàng sợ phải nhìn lại một lần nữa ánh mắt bình lặng không trách móc của anh. Nàng cũng không báo cho T. bên kia, chỉ mệt mỏi lên nhận phòng. Để nguyên bộ quần áo dày cộp chuẩn bị cho những đợt mưa tuyết xứ người, nàng ngả xuống giường, những hình ảnh vuông tròn lẫn lộn trượt trong đầu. Nằm trằn trọc mãi không thể ngủ nổi, nàng mở va li tìm vỉ thuốc, thời gian gần đây nàng tìm nó thường xuyên. Đập vào mắt nàng, phía trên đống tư trang đã xếp gọn gàng là một vật rất quen thuộc.
Cái túi giấy màu trắng đục có hàng chữ mạ vàng. Đến bây giờ nàng cũng không nhớ đã tặng ông chủ nhà hàng món gì mà ông ta tặng lại nàng túi quà ngoại cỡ đó. Chỉ nhớ là cái túi quá đẹp và nàng đã bắt anh bỏ hết đống đồ trong ngăn kéo ra để lót nó xuống đáy cùng cho đỡ nhàu. Giờ nó không còn đẹp kỳ diệu như lúc ban đầu nàng mang về, nhưng cái màu trắng ngà của giấy và màu vàng nhũ của mấy chữ cái trên đó hợp với chiếc khăn len xanh sẫm của anh vô cùng. Không một bức thư. Không một mẩu giấy nhắn. Món quà chia tay trống trải nhưng vương vấn đến nao lòng…
* * *
Mùa thu năm ngoái, trời đầy gió và mặt đất đầy xác lá, khóa MBA kết thúc nhưng T. không về như đã hẹn, cũng chẳng có tin tức gì. Nàng thôi gửi mail, thôi gửi offline message, thôi nhờ người quen gửi những món đồ khô, buông xuôi mọi nhắn nhủ, đang ngồi thu mình trong căn phòng nhỏ lắng nghe “nỗi im lặng phố khuya” như trong nhạc Phú Quang thì anh đến chìa ra hai tấm vé hòa nhạc. Trong chương trình có ghi: Bản Bốn mùa – Concerto cho Violon của Vivaldi.
– Sao anh biết em thích Vivaldi?
– Anh không biết, tự nhiên có một chú ở đài cho vé…
Nàng nghĩ chẳng ai ở đài truyền hình lại quý một biên dịch viên thời vụ đến mức hào phóng tặng vé xem đ nhạc cổ điển cả năm mới có một lần như vậy, nhưng nàng không hỏi thêm, cũng không trang điểm thêm, chỉ khoác một chiếc áo màu sẫm u buồn rồi lặng lẽ đi theo anh. Nhà hát Lớn đầy những người nước ngoài cao lớn, thanh lịch và lạ lẫm. Anh cầm khuỷu tay nàng, miết nhẹ nhẹ như trấn an. Đã lâu rồi kể từ khi T. đi, nàng mới lại đến những nơi hào nhoáng thế này.
Hai người ngồi trong một lô tầng hai, nơi nghe tốt nhất và xem rõ nhất. Vị nhạc trưởng người Pháp duyên dáng đưa tay mời vị thần âm nhạc từ đâu đó trên mái vòm đậu xuống cây đũa mảnh. Những nốt thăng nốt trầm bay lơ lửng. Nàng nghiêng đầu, khép mắt. Hương thơm của một loại nước hoa lẩn quất giữa hai chiếc ghế của nàng và anh. Nàng không còn lắng nghe nữa mà đang cảm nhận. Tiếng violon réo rắt và mùi man mát trầm lặng của nước hoa đưa nàng tới xứ Lombardi miền Bắc Ý, tới với những cánh đồng hoa oải hương tím ngan ngát trải dài tới chân trời, những vườn cam vườn chanh trĩu quả bên bờ Địa Trung Hải… Giờ nghỉ giải lao, anh ra ngoài rồi trở vào, hương thơm theo những dao động không khí vỗ vào tâm trí nàng như đợt sóng.
– Anh dùng nước hoa?
– Anh vẫn dùng, từ lâu rồi mà.
Anh im lặng vài giây rồi nói ra một cái tên, 1881. Nàng gật đầu lơ đãng nghiêng mặt hướng về phía anh hơn một chút, không nhận ra rằng từ nay cái ám ảnh kết bằng khói thuốc lá của T. sẽ thôi theo mình thường xuyên nữa.
* * *
Mùa đông đến, công việc của cả anh và nàng cuối cùng thì cũng bớt bấp bênh nhờ những bản hợp đồng dài hạn, nàng yên tâm ghi tên học thêm một “cua” tiếng Ý ngoài giờ. Trường ngoại ô, trên một con đường mà ánh đèn lấp sau tán cây. Anh đến đón nàng, chạy xe song song trên quãng đường tối nhất, lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối hay những từ nàng mới học và mỉm cười mỗi khi nàng phát âm sai. Thi thoảng anh kéo nàng đi ăn món Ý ở một nhà hàng quen, ông chủ người Parma hay quàng một chiếc khăn màu ô liu, luôn nói “Ciao, bella”(Chào người xinh đẹp) mỗi khi nàng bước vào. Một lần, bên chiếc bàn trải khăn ca rô, trong khi chờ món pizza với đùi lợn muối kiểu Parma, nàng cười vô tư lự, thì thào:
– Có lẽ em sắp yêu Nino rồi anh ạ.
Anh hơi ngạc nhiên nhưng chẳng nói gì, chỉ nhìn sâu vào mắt nàng như tìm kiếm một ẩn ý nào đó. Nàng cười phá lên:
– Anh không thấy chiếc khăn len trên cổ ông ấy sexy hay sao?
– Chà, sexy trở thành tiêu chuẩn của em từ bao giờ thế? – Anh nhìn ra ngoài, vẻ mặt lẫn giọng nói đều có nét gì đó bối rối.
Nàng lại cười thành tiếng, gương mặt bừng sắc hồng, có thể vì hơi nóng từ lò nướng bánh ngay gần đấy. Anh ngẩn ra nhìn, chợt nhận ra gò má nàng đã đầy đặn hơn hồi mùa thu rất nhiều. Lát sau, như sực nhớ, nàng lẩm bẩm:
– Ấy, nhưng mà không được.
– Sao thế?
– Nino lúc nào cũng đẫm mùi thịt cừu!
Lần này đến lượt anh cười. Sốt mayonnaise từ chiếc nĩa ăn salad vẽ thành ba vệt nhỏ trên cằm. Nàng vừa nhẹ nhàng quệt ngón tay lên vệt sốt, vừa mỉm cười mơ màng:
– Giá anh ấy cũng có mùi 1881 như anh nhỉ…
– Sao em không ước ngược lại?
– Nghĩa là thế nào?
Anh nhìn đăm đăm vào những ngón tay mềm mại vừa lướt qua cằm mình, im lặng. Mấy ngày sau, nàng thấy anh cũng quàng một chiếc khăn len màu ô liu.
* * *
Mùa xuân tới mà trời vẫn rét buôn buốt, mưa phùn ẩm ướt. Sau mươi ngày phong phanh dầm mưa dẫn một đoàn chuyên gia đi mấy tỉnh miền núi, anh trở về đem theo tiếng ran ẩm trong phổi và vầng trán nóng giãy. Nàng trực bên chiếc giường đơn trong căn gác anh ở trọ từ thời sinh viên, thay hết chiếc khăn ướt này đến chiếc khăn ướt khác. Đôi lúc nàng nghe anh khẽ gọi tên mình trong cơn sốt, chợt cảm thấy như mưa gió ngoài kia ngấm cả vào người.
Hôm anh ngồi dậy được thì trời đã thôi mưa, gió heo heo khô ráo. Nàng đang đứng bên cửa sổ, mắt nheo nheo như chưa quenvới ánh sáng hưng hửng chiếu thẳng vào phòng, vai hơi so lên vì lạnh, miệng lẩm nhẩm đọc một câu vô cùng quen thuộc:
– Non aver paura del dolore che puo’ dare l’amore. (Đừng sợ nỗi đau mà tình yêu đem lại – Trích bài Chiara của Luca Zanna.)
Anh đến bên quàng chiếc khăn len lên cổ nàng, khẽ đọc tiếp:
– Non andare via non lasciarmi solo con la mia malinconia. (Đừng bỏ đi, đừng bỏ lại anh đơn độc với muộn sầu – Chiara – Luca Zanna)
Nàng rùng mình, chẳng rõ vì mùi hương hơi nồng trên khăn hay vì giọng nói trầm ấm, gần như thầm thì của anh. Và sau buổi chiều trong trẻo đó, trên căn gác nhỏ, một góc giá đỗ đầy những l
* * *
Cuối mùa hè, T. xuất hiện, không phải bằng xương bằng thịt mà chỉ bằng một lá thư sáu trang viết tay bay bướm gửi từ một nơi cách trường đại học cũ nửa vòng trái đất, đúng lúc nàng và anh đang chờ mùa thu tới để về thăm bố mẹ anh rồi sẽ kết thúc cuộc sống chung không danh phận và tiến tới một ràng buộc thiêng liêng hơn. Trong căn phòng hẹp nóng hầm hập vì mất điện, nàng thắp nến đọc thư T., anh nhìn xoáy đôi mắt long lanh nước và lung linh ánh nến của nàng, rồi im lặng ra khỏi phòng.
* * *
Nàng nâng chiếc khăn lên, ấp vào cổ, cái nham nhám của những sợi len cọ lên làn da. Hình như anh đã giặt khăn trước khi bỏ vào túi cho nàng, nhưng hương thơm quen thuộc vẫn thoang thoảng, rụt rè len vào tâm trí. Có cảm giác vẫn như mỗi khi anh đi đâu về để nguyên khăn mũ khẽ cụng đầu vào thái dương nàng. Đến bây giờ nàng mới nhận ra, với nàng, anh cũng giống như chiếc khăn đan bằng sợi len thô, ấm áp chở che nhưng chưa bao đủ dài rộng để quấn và giữ chặt lấy. Anh chỉ biết đến bên kéo nàng ra khỏi nỗi cô đơn lạnh lẽo, làm trái tim nàng ấm lại bằng mọi cách có thể. Và khi T. “trở lại”, trái tim nàng không còn cô đơn, anh lặng lẽ quay đi. Ngay cả việc đưa chiếc khăn với bao nhiêu kỷ niệm cho nàng, anh cũng làm lặng lẽ, như nhất định phải vậy, như một cử chỉ chăm sóc kín đáo cuối cùng. Nàng ngồi thẳng lên hít một hơi dài như để trấn áp sự xao động. Một cái gì đó sộc tới, thôi thúc, giục giã, nàng vùng chạy…
Còn nửa dãy phố nữa là nàng sẽ tới nhà anh. Trên vai nàng, từ những nếp cuộn của chiếc khăn len màu ô liu, mùi hương 1881 tỏa lan dữ dội hơn bao giờ.
Tiệc độc thân cho hai người
Xe của đối tác đưa Yên về đến Hà Nội khi trời đã tối mịt. Trên điện thoại, bảng lịch trình cho ngày thứ Bảy bận rộn này chỉ còn đúng một mục ghi cụt ngủn hai chữ “single party”. Nhà Yên ở một khu đô thị mới ngoài rìa Tây thành phố, nếu bây giờ trở về tắm gội, thay quần áo, cô hoặc sẽ đến muộn ít nhất nửa tiếng, hoặc sẽ thấy cơn lười nổi lên rồi quyết định chẳng đi đâu nữa.
Vậy là, mang nguyên vẻ uể oải pha lẫn cáu kỉnh sau cả một ngày di chuyển qua hết nhà máy này đến khu công nghiệp khác, Yên bước vào một nhà hàng sang trọng nằm trong một biệt thự Pháp cổ chỉ cách hồ Hoàn Kiếm vài trăm mét, để dự bữa tiệc dành cho người độc thân, sự kiện mà đáng lẽ cô phải tham gia từ lâu.
Nhân viên đơn vị tổ chức đón vị khách đầu tiên bằng vẻ ngạc nhiên pha chút ái ngại. Nhìn ánh...