Tâm Lan ngả người xuống tấm nệm lò xo, cô sải cánh tay sang bên để bé Nguyên Thảo gối đầu. Cô vừa kể những câu chuyện cổ tích xa xưa ru đứa con gái ngủ, lòng vừa nghẹn ngào nặng trĩu nhớ thương. Nước mắt cô ngấn lưng chừng nhỏ giọt và ngấm dần xuống gối chăn. Con mèo trắng nằm ngay bên cạnh bé Thảo, cái đầu ngọ nguậy nằm ngoan hiền. Cô đưa tay vuốt nó, bỗng có một mùi thơm rất lạ như mùi sữa ngai ngái, hay mùi da thịt của trẻ con lan tỏa khắp phòng.
Bà Xuân cũng đang khóc sau cánh cửa gỗ. Những gì đang xảy ra trước mặt, những gì mà bà vừa nghe được chợt thấy lòng quặn thắt, những kỷ niệm quá khứ chôn cất suốt mấy chục năm qua ùa về, nó làm bà đau nhức nhối.
***
Gần ba mươi năm trước
- Mẹ ơi. Sao ba đi mãi mà không về ạ? – Tâm Lan vừa buồn, vừa hỏi mẹ.
- Ba đi công tác cơ mà. Con phải ngoan, học thật giỏi, ba về ba mua quà lớn cho con. – Bà Xuân lúng túng vội xoa đầu an ủi đứa con tội nghiệp của mình.
- Nhưng con chẳng thấy ba viết thư về cho mẹ con mình bao giờ cả. – Tâm Lan thắc mắc với giọng điệu cằn nhằn.
- Ba bận công chuyện, ba phải kiếm tiền để nuôi hai mẹ con mình nữa chứ? – Bà Xuân vẫn dịu giọng và kiên nhẫn giải thích.
- Con nhớ ba lắm. Thế mẹ có nhớ ba không?
- Ừ. Mẹ cũng nhớ. – Bà Xuân cố khóc không thành tiếng và nghiêng đầu sang một bên để Tâm Lan không nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn dài.
- Hôm nay, con tới trường, bọn bạn chọc quê nói con không có ba nên không muốn chơi cùng. Lúc cô giáo phân chia tổ để học bài theo nhóm, cũng chẳng bạn nào chịu cho con vô chung. Buổi chiều đi học về, bạn nào cũng được ba tới rước. Còn con… lủi thủi mỗi một mình. – Tâm Lan cúi gằm mặt và kể lể. Giọng nói có phần hơi lạc đi một chút.
- Tâm Lan này, con không được nghe mọi người nói bậy. Từ ngày mai, mẹ ráng đi làm về sớm rồi đón con. Ba của con là người tốt, ba phải làm việc quần quật để gửi tiền về nuôi con và em trai ăn học. Ở ngoài Bắc rất lạnh, cuộc sống của ba con cùng cực lắm, con có thương ba không?
- Dạ. Con thương.
- Thương ba thì bé Tâm Lan của mẹ phải làm sao nhỉ?
- Phải học giỏi và nghe lời mẹ ạ. Khi nào ba về, ba mua quà lớn cho con.
- Ừ.
Bà
Xuân đã từng dỗ dành Tâm Lan như thế mỗi khi cô hỏi về người cha của mình. Dẫu cho người đàn ông ấy có xấu xa hay tàn nhẫn với bà bao nhiêu đi chăng nữa thì bà cũng chẳng mảy may hay biểu cảm một chút gì ra ngoài khuôn mặt. Với tình yêu lớn lao dành cho người đàn ông không xứng đáng, bà vẫn luôn cố gắng xây dựng hình ảnh của một người ba hết mực thương yêu và có trách nhiệm với con cái trong lòng Tâm Lan. Kể cả sau này lớn khôn, cô đã hiểu rõ mọi chuyện thì lòng thù hận về một người ba bội bạc cũng đã vơi đi phần nào. Nỗi niềm của một tuổi thơ được bà xây dựng bằng những ngôn từ hoa mỹ và đẹp như truyện cổ tích, cô vẫn luôn khắc ghi đến từng chi tiết nhỏ cho tới tận bây giờ.
- Mẹ kể về ba đi. Con muốn nghe. – Tâm Lan năn nỉ trước giờ đi ngủ.
- Con thấy trong hình, ba có đẹp không?
Bà Xuân chỉ vào bức hình cưới đen trắng của hai vợ chồng lớn bằng bàn tay để ngay ở thành giường gỗ. Cuộc hôn nhân của ông bà đều không được hai bên gia đình ủng hộ vì mối thù truyền kiếp vẫn chưa thể nào hóa giải. Họ chấp nhận hai bàn tay trắng để cưới nhau, thề nguyền sống chết vẫn luôn bên nhau.
Vậy mà khi Tâm Lan mới chào đời chưa được bao lâu, từ một kỹ sư xây dựng giỏi giang và cần mẫn, ông bất ngờ trở thành kẻ nát rượu và cờ bạc không kể ngày đêm. Ông bỏ đi không nói một lời từ biệt và cũng chưa một lần trở về thăm hai mẹ con. Bà vẫn giữ một niềm tin nơi ông, vẫn hướng tình yêu của mình đến một người không biết còn sống hay đã chết.
Mọi người trách bà dại khi không chịu bước tiếp một lần đò để về già còn có người ở bên chăm sóc. Bà Xuân lắc đầu từ chối: “Tôi phải nuôi con gái mình. Nhất định ông ấy sẽ trở về tìm hai mẹ con tôi”. Cứ ngỡ, cuộc đời sẽ xuôi dòng như thế mà trôi đi, bình lặng cảnh “gà mái nuôi con” và trở thành thiếu phụ chờ chồng muôn kiếp như truyền thuyết núi vọng Phu… Nào ngờ…
Sắc đẹp của bà thời xuân trẻ được mọi người ví như bông hoa ngũ sắc, tiếc rằng hoa nở sớm khi cái giá lạnh của mùa đông còn sót lại mà chẳng kịp chờ nắng ấm xuân sang.
sang. Những ông lái buôn tiếng tăm người Tàu si mê bà như điếu đổ. Họ hứa sẽ tặng bà những thước lụa vải vóc dài với văn hoa đầy nét tinh xảo của người phương Tây, những món ăn hải sản nổi tiếng mà chỉ thời vua chúa mới được thưởng thức…, hay hứa sẽ cho bà và Tâm Lan một cuộc sống ấm no, đầy đủ, không kể phân biệt cách đối xử với đứa con chung và riêng. Vậy mà, bà Xuân lắc đầu từ chối tất cả những thứ xa hoa, những lời ong bướm đường ngọt. Và đó cũng chính là lý do mà bà mang bầu lần thứ hai do một tên yêu râu xanh đã không thể cưỡng lại tình yêu, dục vọng trước nhan sắc của bà.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Cảnh người phụ nữ cô độc, bụng chửa con thơ khăn gói trên chuyến tàu từ Bắc vô Nam khi Tâm Lan vừa tròn ba tuổi. Từ đó, Tâm Lan có thêm một cậu em trai cùng mẹ khác cha, là Lộc.
- Dạ. Đẹp lắm. Ba cao lớn như một vị anh hùng vậy.
Tâm Lan giữ khư khư bức hình ba trong tay. Cô nhìn người ba không chớp mắt với một sự ngưỡng mộ trong mơ hồ. Từ khi Tâm Lan biết gọi ba, gọi mẹ thì người đàn ông ấy đã biến mất khỏi cuộc đời cô và chưa một lần xuất hiện.
- Ba con còn vẽ rất đẹp, ba con xây những ngôi nhà tình thương cho cả những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa nữa. Con có tự hào về ba con không?
- Có chứ ạ. Nếu bạn nào ở lớp còn chọc quê con là đứa không có ba, nhất định con sẽ nói cho bạn đấy biết, ba con là người tốt, ba con là một anh hùng giàu lòng nhân ái, ba còn làm nhiều việc thiện, để bạn ấy phải ghen tị với con.
Bà Xuân vỗ về cho Tâm Lan ngủ. Đã biết bao nhiêu đêm, bà tự xoa nỗi đau của mình mà vẫn luôn trông đợi người đàn ông ấy sẽ quay trở về, dìu bà vượt qua nỗi đau và cùng nhau đi về phía thiên đàng – nơi đấy có thể sẽ hong khô nước mắt. Đã biết bao nhiêu năm, bà luôn mong ngóng: “Tâm Lan lớn lắm rồi, sao ông vẫn chưa trở lại để nhìn thấy sự trưởng thành của con”.
***
Bà Xuân khép lại cửa phòng và bước xuống hành lang. Những câu hát ru khe khẽ của Tâm Lan làm bà càng thêm đau khổ. Bóng đêm đen kìn kịt trong căn nhà như muốn nuốt chửng bà xuống hố sâu của những niềm đau tang tóc.
Bà ngồi xuống ghế sô pha ngoài phòng khách và rót một tách trà nóng. Bà nhấp miệng và cảm thấy vị đắng nghét. Nước mắt rơi lõng bõng như muốn lấp đầy khoảng trống của chiếc tách. Bà cứ thế ngồi lặng đi.
Thời gian chậm rãi trôi qua trong căn phòng yên ắng, lặng thinh. Tiếng tích tắc kim đồng hồ chậm rãi gõ nhịp thời gian càng làm không khí đêm thêm nặng trịch.
Hai giờ đêm, có bàn tay ai đang đụng vào khóa cửa ở cổng, nó lay lay phát ra tiếng động. Dù rất khẽ nhưng nó cũng đủ làm bà Xuân chợt tỉnh dậy trong giấc ngủ chập chờn. Bà từ từ đi về phía cổng nhìn ngó xung quanh nhưng bóng dáng của Hoàng Minh và chiếc xe đã mất hút trong cơn xoáy dữ dội của trời đêm.
Bà lắc đầu vì nghĩ mình vừa trải qua một giấc mơ đầy mộng mị. Gió đêm tạt vào người bà, lạnh buốt. Bà như tỉnh hẳn mà vẫn không hiểu vì sao giữa đêm khuya khoắt thế này, bà lại đứng giữa sân nhà tối thui.
Bà Xuân lẩm bẩm rồi lại lắc đầu: “Già rồi, lẩm cẩm quá”.
Chương 12
Bình Nguyên chăm chú ngắm nhìn từng cử chỉ, đường nét xinh đẹp trên khuôn mặt Tâm Lan.
- Cậu Lộc đưa bé Thảo tới trường rồi hả mẹ? – Giọng Tâm Lan khàn khàn với cơn ho đau rát nơi cổ họng. Vầng trán hơi hâm hấp nóng. Cô ho hắng một lúc rồi tiến về phía bếp.
- Ừ. Con dậy rồi đấy à? Con bé Thảo với thằng Khánh ăn sáng xong rồi theo vợ chồng thằng Lộc đi luôn.
Bà Xuân quay người lại và mỉm cười với Tâm Lan. Cô cũng thừa tinh ý để nhận ra sự mệt mỏi đang hiển hiện trên khuôn mặt mẹ, mặc cho bà Xuân đã cố giấu diếm chúng đi bằng một nụ cười khẽ và cái nhìn trìu mến như mỗi ngày. Và bỗng dưng, nước mắt cô cứ trào ra như không gì có thể ngăn cản nổi.
Bà Xuân hốt hoảng. Bà vội vã khóa bếp ga rồi chạy lại phía Tâm Lan đang đứng. Nhưng khi bà chưa kịp nói gì thì Tâm Lan đã ôm chặt lấy bà và khóc nức nở như một đứa trẻ.
- Tâm Lan. Tâm Lan. Con làm sao thế này?
Bà Xuân vỗ vai Tâm Lan. Bà biết, nước mắt của con gái bà đã thấm qua lớp áo vải màu nâu, ngấm dần và vừa kịp chạm tới làn da. Chúng nóng hổi mà sao bà cảm thấy lạnh giá.
Tâm Lan vẫn khóc thút thít. Cô không trả lời. Cô cứ khóc trên vai bà như ngày học lớp một bị tụi trẻ hàng xóm ghẹo trêu là đứa bé không có ba.
Rồi bà Xuân cũng lặng im. Bà lắng nghe â...