Bây giờ đang là mùa trăng, tiếng kèn Amam như thôi miên mênh mang trên núi. Anh em trong đơn vị rủ tôi trốn Đồn trưởng Chiến ra ngoài. Tôi chẳng biết thổi kèn, tôi gặp được nàng là nhờ các anh ấy sắp xếp cho. Tôi nghĩ, nằm chèo queo ở nhà một mình chỉ tổ cho buồn gặm nhấm, chi bằng đi gặp nàng vui vẻ và biết đâu lại cóp nhặt được mẩu chuyện gì đó hay hay.
Dưới trăng thanh gió mát, giữa rừng rú ngút ngàn, nàng thật rạng ngời trong trang phục áo váy truyền thống bằng thổ cẩm màu mận chín đính viền đăng-ten màu đen. Nàng tập cho tôi thổi kèn Amam. Rồi nàng hát: “Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh/ Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người/ Kèn Amam không thổi một người/ Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.” Tôi biết nàng cố ý bật đèn xanh. Phá tan không khí ngượng ngùng, tôi đánh trống lãng: “Sao kèn Amam lại làm bằng gỗ Pi-a-mơ mà không phải loại gỗ khác?” Mắt nàng cụp xuống nhưng vẫn ngoan ngoãn trả lời: “Gỗ gì mà chẳng được nhưng tiếng kèn từ thân cây Pi-a-mơ là hay nhất.” Thời gian trườn về đêm, thời khắc tuyệt vời cho những lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau. Chúng tôi ngồi cạnh nhau lặng nghe gió vờn lá… Và nàng kể về những đứa trẻ, mỗi khi cảm nhận được cơn đau hành hạ thân xác chúng, nàng khóc, chúng cũng sụt sùi, đưa bàn tay tật nguyền lau nước mắt cho nàng. Nàng nói, nếu tôi đặt mình vào hoàn cảnh của các em một lần thôi, tôi sẽ đồng cảm với các em và thấy mình vô cùng may mắn. Nước mắt hoen mi nàng. Nàng đang khóc, khóc không thành tiếng, nhẹ nhàng giản đơn như giọt sương đêm neo trên triền lá. Khi ánh trăng chênh chếch sau ngọn núi, tôi đưa nàng về. Tôi nắm tay nàng trên dọc đường đi và hôn nhẹ má nàng khi về đến cổng.
Những lời nói của nàng làm tôi thao thức suốt đêm, tôi không dám tưởng tượng nếu một ngày mình mất đi đôi chân, tự mình làm mọi việc bằng cách lê lết trên sàn một cách khó khăn như các em ấy. Có lẽ vì suy nghĩ như vậy nên tôi muốn được cùng nàng hái hoa pi-a-mơ đến thăm các em. Cầm được những cành pi-a-mơ chúng vui ra mặt, gật gật cái đầu như muốn nói lời cảm ơn. Dần dà, những dị tật trên người các em không làm tôi sợ hãi nữa. Tôi đùa cùng chúng, cù léc cho chúng cười lăn nghiêng ngã trên sàn nhà. Chúng thiệt thòi so với những đứa trẻ dưới xuôi nhiều quá. Ngay đến đồ chơi cũng chỉ là những cành hoa pi-a-mơ. Trái tim tôi bỗng dưng trĩu nặng, lòng hoang lạnh và tôi hiểu vì sao nàng lại yêu các em ấy nhiều đến thế!
Đồn trưởng Chiến biết chuyện Dũng đi sim cùng Pi-a-mơ. Nhân chuyến về xuôi báo cáo tình hình của đơn vị, cha Dũng mời Đồn trưởng Chiến về nhà dùng cơm. Thái độ lưỡng lự hằn rõ lên khuôn mặt của Đồn trưởng Chiến khiến ánh mắt của cha mẹ Dũng thắc thỏm dõi theo. Thả cái hơi thở đang bị dồn nén, Đồn trưởng Chiến cất lên cái giọng trầm khàn và tâm sự về chuyện của Dũng.
Cha mẹ Dũng nghe xong điếng người, không dám tin vào tai mình. Tự nhiên họ có ác cảm với cô gái tên Pi-a-mơ và dị ứng với loài hoa phát ra mùi hương dị biệt Dũng mang về. Mùi hương mà ai đến nhà cũng thích ngửi, tò mò hỏi, rồi tấm tắc khen. Khuôn mặt cha mẹ Dũng chợt biến sắc, cảm giác hoang mang khủng khiếp.
Thấu được lo lắng của cha mẹ Dũng, sáng hôm sau, Đồn trưởng Chiến gọi Dũng lên phòng gặp riêng và bảo:
– Chú hãy chuẩn bị chuyển công tác về tỉnh, đã có quyết định của cấp trên.
– Cháu muốn ở lại đây thêm một thời gian nữa, bác nói với cha giúp cháu một tiếng.
– Chú Dũng, chắc chú đã hiểu lý do. Cái gì mới cũng dễ dứt!
– Pi-a-mơ là cô gái thuần khiết, cô ấy khiến cháu muốn sống bác à.
– Tôi hiểu nhưng Pi-a-mơ là người đồng bào còn chú là con của Chỉ huy trưởng, không khéo lại làm khổ người ta.
– Pi-a-mơ nói với cháu, cha cô bé người kinh là bác sĩ quân y, còn mẹ là thầy lang của bản. Bản thân cô bé cũng đã tốt nghiệp phổ thông ở thành phố.
– Có điều, cha Pi-a-mơ đến đây khi nơi này còn là vùng đất chết. Chú không thấy những cô gái ở bản mười lăm, mười sáu tuổi đã có con bồng con bế nhưng Pi-a-mơ vẫn là người lẻ bóng.
– Pi-a-mơ vừa tròn mười tám mà bác?
– Cô bé không có điểm nào đáng chê, chỉ sợ ảnh hưởng đường con cái.
– Cháu tin sự sống đã hồi sinh. Cháu cũng đã hỏi những người từng đến đây, lúc về họ vẫn lấy vợ sinh con, con cái họ khỏe mạnh chẳng sứt mẻ tí nào.
– Đôi khi hạnh phúc mỉm cười với người này nhưng lại rơi lệ với người kia. Thôi, không phải nói nhiều. Về đi chú Dũng! Thời gian như vậy là quá đủ, đủ cho chú và cho cả sự áy náy của cha chú với những người lính dưới trướng của ông. Cớ chi một đóa hoa rừng…
Dũng vẫn điềm tĩnh, cố dùng mọi lời lẽ để ông Chiến hiểu tâm trạng bất đắc dĩ của cậu và hy vọng có một tình huống bất ngờ trì hoãn việc chuyển công tác về xuôi. Ông Chiến lờ đi và ngồi yên vờ như đang ngập đầu trong công việc. Không muốn câu chuyện thêm dài dòng, ông dong bàn tay phải lên cao và nói, về đi!
Buổi chiều hôm đó, tiếng kèn Amam dập dờn da diết từ môi Pi-a-mơ như vấn vít đôi bàn chân khiến Dũng không đành lòng quay bước. Dũng chạy vội ôm chầm lấy Pi-a-mơ từ phía sau. Tiếng kèn ngưng bặt. Dũng thì thầm:
– Theo anh về xuôi được không Pi-a-mơ? Anh yêu em nhiều lắm Pi-a-mơ à.
– Em biết, nhưng… – Pi-a-mơ bỏ lửng câu nói, nước mắt lưng tròng.
Nắng quái chia nửa tấm lưng nhỏ nhắn của Pi-a-mơ đang rảo bước về phía núi. Nơi ngôi nhà nhỏ với những đứa trẻ mà Pi-a-mơ gọi là “thiên thần”.
“Cái giây phút lặng nhìn nàng từ phía sau trên đồi pi-a-mơ đến nay đã tròn một năm. Thời gian đó với tôi sao vươn ra miên man bất tận. Dù không ít lần đã cố quên nàng, vậy mà càng cố quên lại càng nhớ. Tôi muốn quay lại vùng cao tìm nàng nhưng cha kiểm soát gắt gao quá, không cho tôi lấy một cơ hội. Ngoài giờ đến đơn vị, tôi biết làm gì ngoài việc đóng kín cửa phòng của mình và chăm chút cho bức tranh vẽ về khoảnh khắc nàng đứng thổi kèn Amam giữa rừng pi-a-mơ đang độ tỏa sắc. Ngày nào, cha mẹ cũng nhồi nhét vào tai tôi những câu chuyện khủng khiếp do họ tưởng tượng, thêu dệt về kết quả tình yêu giữa tôi và nàng. Dù vậy, tôi vẫn không tài nào xóa tên nàng trong mớ ký ức trôi. Trời ơi! Nỗi nhớ lại dày vò tôi nữa rồi. Tôi nhớ nàng, nhớ bản, nhớ hương thơm và vẻ đẹp kỳ diệu của hoa pi-a-mơ, nhớ những lúc đau ốm Đồn trưởng Chiến và anh em đơn vị thương yêu chăm sóc, những bữa cơm chiều vội vàng sợ trời tối không nhìn thấy thức ăn để gắp, những nhiệm vụ hàng ngày phải hoàn thành để bảo vệ bình yên cho tổ quốc. Và những đứa trẻ, tôi thương chúng đến nát lòng. Các em ơi, hãy chờ anh nhé! Anh hứa sẽ trở lại, tìm mọi cách xây cho các em một ngôi nhà thật đẹp, đầy đủ đồ chơi,… các em sẽ được hưởng mọi thứ mà những đứa trẻ ở phố đang hưởng. Lạ kỳ chưa! Nước mắt? Tôi có nhờ đâu, tự nhiên vội vã tuôn tràn ướt gối. Tôi nhủ lòng, nín đi! Đàn ông khóc là hèn, là đồ bỏ đi. Đàn ông phải chứng minh bằng hành động. Tôi ngồi phắt dậy và mang sách vở ra ôn thi. Lần này tôi quyết tâm thi bằng được vào Học viện Biên phòng. Ngày tốt nghiệp tôi sẽ tình nguyện trở lại Đồn Cửa khẩu. Lúc đó, tất cả mọi người và nàng sẽ ngạc nhiên về tôi lắm. Tôi sẽ thoát khỏi hình hài của một cậu bé, chín chắn và bản lĩnh hơn rất nhiều. Nhất định thế! Tôi ơi cố lên! Cố lên!”
Tối nay, mẹ Dũng nấu toàn những món hợp khẩu vị của hai cha con. Món cá diêu hồng kho mẻ Dũng thích, món canh khổ qua nhồi thịt lợn băm cha Dũng thích và có thêm món rau muống xào tỏi, các loại quả cắt lát kẹp rau thơm chấm ruốc.
Trước khi cầm đũa cha Dũng bảo, sẽ làm thủ tục trong tháng này để đưa Dũng ra nước ngoài du học. Ông nói qua về ngôi trường nơi Dũng sẽ đến học tập. Mẹ Dũng chen vào: “Ở đó có những cô gái đẹp người đẹp nết, con nhà tử tế.” Ông tiếp lời: “Nhất định con trai mình sẽ tìm được một cô hợp với mình bà nhỉ?” Ông tung bà hứng có vẻ rất ăn ý nhau.
Có lẽ bị chất độc da cam trong quá khứ thao túng khiến mẹ Dũng không thích Pi-a-mơ và ủng hộ Dũng, bảo vệ ý kiến của Dũng như trước đây nhưng dù vậy Dũng nhất quyết không đi du học. Cha Dũng có nặng lời, Dũng vẫn khăng khăng dùng mọi lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình. Cha Dũng phát cáu:
– Anh hãy soi gương và ngắm kỹ lại mình đi. Nhìn con người ta thấy ham, con nhà này thân tàn ma dại. Tôi đã quyết, anh đừng mang lý lẽ cùn ra hòng thay đổi mọi thứ hay con bé Pi-a-mơ bỏ bùa mê thuốc lú, hút linh hồn lẫn xác thịt của anh mất rồi?
– Cha đừng nói Pi-a-mơ như thế, Pi-a-mơ cũng như loài
Quét Virus: An toàn