Trước khi về, tôi thì thầm vào tai bà “Bà ơi, bà chờ cháu nhé, cháu sẽ cố gắng để hai bà cháu mình được sống cùng nhau”. Chẳng biết bà có hiểu những gì tôi nói không mà bà gật đầu mỉm cười với tôi một cách trìu mến. Tôi thơm lên vùng trán nhăn nheo của bà, ôm bà thật lâu trước khi rời khỏi căn phòng ngây ngây mùi nước hoa xịt phòng rẻ tiền ấy.
Tôi xuống bếp, dúi cho chị giúp việc một ít tiền nhờ chị chăm sóc bà. Ở nhà này, ngoài người giúp việc cho bà ăn, tắm rửa cho bà thì không một ai bước vào phòng bà nữa. Chỉ những lúc chú tôi từ xa về, bà thím quý hóa mới đảo qua phòng bà vài phút để chứng minh với chú là mình vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của một người con dâu. Tôi biết, thím sợ chú tôi sẽ cắt ngay khoản “viện trợ” hằng tháng nếu chú biết việc bà ta bỏ mặc bà nội tôi, vì thế, dù khó chịu và tiếc tiền đến mấy thím cũng cắn răng thuê một cô giúp việc để vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc bà cho thím rảnh nợ.
Tôi vừa dắt xe ra cổng, thím đã vội vàng chạy theo kéo tay than nghèo kể khổ như hàng trăm lần trước. Nào là dạo này giá thực phẩm tăng, thuốc tăng và cả lương osin cũng tăng cao, thím khó lòng chi trả nổi, nào là chú mày làm ăn khó khăn nên tiền gửi về cũng vơi đi nhiều lắm... Tôi hiểu ngay ra vấn đề, liền móc ví lấy thêm ít tiền dúi vào tay bà ta.
“Đây, cháu đóng thêm tiền ăn cho bà.”
“Ừ, phải thế chứ! Cháu cũng là cháu của bà, cũng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng bà chứ, bỏ cho một mình thím lo sao được.”
“Vâng!”
“Mà này, thím đang định mấy nữa đưa bà về quê sống thôi, ở đây chật chội lại đắt đỏ, thím sợ không kham nổi.”
“Nhưng mà... ở quê bà đâu còn ai nữa ạ?”
“Ối giời, không còn ai thì thuê một người chăm nom là được, ở quê thuê giúp việc rẻ lắm, mày lo một một nửa, thím lo một nửa. Thế cho thím đỡ phiền mà mày cũng rảnh nợ để còn lấy chồng.”
Tôi lạnh người, không nói thêm được câu gì nữa, đành dắt xe ra khỏi cổng mà lòng nặng trĩu. Trời ơi, nếu bà còn minh mẫn, bà nghe được những lời này chắc là đau lòng lắm. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy may mắn vì bà bị mất trí khi sống trong ngôi nhà này, có lẽ việc nhớ nhớ quên quên ấy sẽ khiến đầu óc bà thanh thản và dễ chịu hơn nhiều. Khi tôi chuẩn bị lên xe nổ máy, thím tôi vẫn cố thò cổ ra nhắc nhở.
“Này, nghĩ cho kỹ vào nhớ! Tao sợ mấy nữa bà qua đời trong nhà tao thì xui xẻo lắm.”
Tôi gật đầu, phóng xe đi và những giọt nước mắt lăn tràn trên gò má. Sao tình yêu thương trong thế giới nhỏ bé này lại xa xỉ đến vậy? Sao trên đời này lại xuất hiện những kẻ có trái tim làm bằng hơi lạnh của tiền như vậy? Tôi cay đắng cho cả cuộc đời tần tảo vì con vì cháu của bà, cay đắng cho niềm hạnh phúc bị dối lừa của chú và cay đắng luôn cho cả những gì tôi phải chứng kiến mà không biết thổ lộ cùng ai. Trên đường về, tôi bắt đầu nhẩm tính những khoản chi phí và cách sắp xếp công việc như thế nào để sớm đưa bà ra khỏi đó càng nhanh càng tốt. Tôi muốn những ngày cuối đời, bà được sống trong yêu thương và trân trọng, tôi sẽ làm được. Bà ơi, hãy chờ cháu nhé.
Tôi nằm vật xuống giường, nước mắt khô lại làm hai bên má dường như căng ra. Tôi muốn đón bà về ngay lập tức, tiền có thể cố gắng thu xếp được, nhưng còn người trông nom thì sao, bà không thể ở nhà một mình, còn tôi thì không thể bỏ việc để ở nhà chăm sóc bà được, như thế hai bà cháu sẽ sống bằng gì? Những lo lắng luẩn quẩn trong đầu khiến tôi không thể nào chợp mắt được.
Đêm nay, một đêm dài với bao bộn bề tính toán, Sâm Cầm vẫn chưa về dù đã hơn một giờ đêm. Tôi nghĩ, có khi nó ngủ lại chỗ bố nó nên không gọi điện hỏi han gì nữa. Loay hoay mãi không ngủ được, tôi ngồi dậy, với tay mở laptop rồi ngồi khoanh chân trên giường. Lâu lắm rồi không có thói quen chat chít vào ban đêm, cũng không tham gia bất cứ mạng xã hội nào như các bạn cùng trang lứa, có lẽ, tôi quá già so với cuộc sống sôi động của những người trẻ khác. Tôi chẳng quan tâm, miễn mình tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại là đủ. Cuộc sống của ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu ta tự biết thế nào là đủ cho bản thân, đúng không?
Mở tờ báo điện tử quen thuộc, tôi lướt qua vài tin tức giải trí trong ngày, chợt khựng lại vì một bức ảnh, ảnh của một người đàn ông quá đỗi quen thuộc đang bị còng tay. Tôi dụi mắt thêm vài lần nữa để chắc chắn rằng mình không nhìn nhầm. Không, không thể nhầm, tôi đưa mắt liếc nhìn dòng “tít” báo phía trên bức ảnh “Một giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì tội buôn lậu và lừa đảo”. Tôi bàng hoàng ngồi xuống rồi vội vã cầm lấy điện thoại gọi cho Sâm Cầm, tiếng nhạc chờ quen thuộc vang lên nhưng Sâm Cầm không nhấc máy, thêm nhiều hồi chuông nữa, vẫn không thấy động tĩnh gì.
Tôi như ngồi trên đống lửa, trời ơi, không biết Sâm Cầm đã biết việc bố nó bị bắt chưa? Tôi linh cảm có điều gì đó rất tồi tệ sắp xảy ra mà không thể làm gì. Sâm Cầm, mày đang ở đâu? Tôi bấn loạn đi lại liên tục trong phòng và không ngừng gọi nó nhưng đáp lại tôi chỉ là những hồi chuông dài lạnh lẽo. Tôi vội vã khoác thêm áo, đẩy cửa bước ra ngoài, tôi sẽ đi tìm Sâm Cầm, chắc nó đang buồn lắm, đang ngồi khóc ở đâu đó ngoài kia.
Vừa đẩy cửa ra, tôi thấy Ria Mép đang đứng hút thuốc trước cửa tự lúc nào, tôi không có nhiều thời gian để hỏi anh ta đứng đây làm gì, chỉ lặng lẽ lách qua người Ria Mép để đi ra cổng. Ria Mép kéo tay tôi.
“Gia Cầm chưa về đúng không?”
“Ừ, tôi đang định đi tìm nó!”
“Cô biết cô ấy ở đâu à?”
“Không! Nếu biết tôi đã không phải đi tìm.”
Ria Mép vứt điếu thuốc xuống sân, bước lên trước kéo tay tôi cùng đi.
“Tôi đi cùng cô! Đã xảy ra chuyện gì phải không? Tự nhiên tối nay tôi thấy nóng ruột quá!”
“Ừm! Có chuyện!”
Tôi không còn tâm trí để giải thích cho Ria Mép chuyện gì đang xảy ra, chỉ cố bước đi thật nhanh để mong tìm thấy Sâm Cầm nhanh nhất có thể. Chắc nó buồn và thất vọng lắm, nó đã cố kéo bố mình ra khỏi vũng lầy do chính ông tự giăng ra nhưng dường như càng kéo ông ấy càng dấn sâu vào. Tiền bạc, lợi ích và những thứ phù phiếm khác đã khiến ông ấy mê muội. Tôi không tiếc nuối gì cho bố Sâm Cầm, chỉ thương bạn tôi, người đã bất lực trong việc kéo bố trở lại con đường chân chính. Chắc giờ này nó ở một quán bar nào đó, uống rượu và khóc thật nhiều cho trôi hết nỗi đau khổ và thất vọng mà nó vừa trải qua.
Ria Mép và tôi đã tìm kiếm khắp nơi, chúng tôi đến những quán bar mà Sâm Cầm thường lui tới, những quán café mở muộn, hay lang thang dọc con đường mà mỗi lần thất tình nó hay đi. Đã gần bốn giờ sáng, bóng dáng Sâm Cầm không thấy đâu, tôi ngồi sụp xuống vệ đường với vẻ mệt mỏi và lo lắng không thể nào che giấu. Ria Mép ngồi xuống cạnh tôi, mắt anh ta đỏ ngầu lên, chậm rãi châm một điếu thuốc đưa lên miệng.
“Có khi cô ấy về nhà đánh một giấc no say rồi cũng nên, hay chúng ta về xem thế nào đã.”
“Tôi hy vọng thế!”
Tôi đứng dậy, chợt điện thoại trong túi reo lên, lât đật mở điện thoại ra, tôi cười tươi giơ ra trước mặt Ria Mép.
“Là Sâm Cầm, chắc nó về nhà thật rồi.”
Ria Mép cũng không giấu nổi sự vui mừng, anh ta khoát tay ra hiệu nôn nóng bảo tôi nghe điện thoại. Tôi áp điện thoại vào tai, hỏi dồn:
“Sâm Cầm à, mày ở đâu đấy? Tao tìm mãi.”
Bên kia vang lên tiếng thở mạnh, giọng một người đàn ông vang lên:
“Cô là bạn của cô ấy đúng không? Tôi thấy nhiều cuộc gọi nhỡ trong điện thoại của cô ấy nên gọi lại. Cô làm ơn báo cho gia đình nạn nhân biết là cô ấy đang cấp cứu ở bệnh viện nhé!”
Có chuyện gì thế này? Sâm Cầm làm sao? Nó bị tai nạn ư? Bệnh viện nào? Tôi hoảng loạn lắp bắp đủ các câu hỏi trong điện thoại, khi người đàn ông ấy thông báo bệnh viện nơi Sâm Cầm đang cấp cứu cũng là lúc chân tôi như khuỵu xuống. Ria Mép giật điện thoại của tôi rồi kéo tôi đứng dậy. Anh ta lao ra đường, chặn một chiếc taxi lại và đẩy tôi lên đó.
Suốt cả quãng đường đến bệnh viện, đầu tôi không nghĩ được gì, nước mắt cứ thế rơi. Sâm Cầm của tôi ơi, hy vọng là nó không sao, hy vọng nó chỉ bị xước tay xước chân thôi. Mà không, nếu chỉ nhẹ thế thì nó đã gọi điện cho tôi rồi chứ. Tôi không ngừng suy đoán, còn Ria Mép cứ chồm người lên giục tài xế đi nhanh hơn. Tôi biết, Ria Mép cũng lo lắng và sốt ruột không kém gì tôi.
Khi chúng tôi đến bệnh viện, Sâm Cầm đang ở trong phòng hội chẩn, họ không cho người nhà vào. Dù chúng tôi cố gắng hỏi thăm tình trạng của nó nhưng ai cũng nói chờ kết quả hội chẩn. Tôi ngồi xuống ghế, úp mặt lên lòng bàn tay rồi lầm bầm cầu khấn cho Sâm Cầm. Ria Mép xoa đầu tôi, nói nhỏ:
“Không sao đâu, cô ấy rất mạnh mẽ mà.”
Tôi ngẩng đầu nhìn Ria Mép, đôi mắt đỏ ngầu trũng sâu xuống, anh ta an ủi tôi cũng là để an ủi chính mình. Tôi lặng lẽ gật đầu, cả hai nhìn chằm chằm vào biển hiệu cấp cứu đang nhấp nháy ở hành lang. Lúc này tôi chợt nhớ ra, chẳng phải Bắp Ngô đang làm ở đây sao? Tôi sẽ gọi cho hắn để xem có giúp được gì không, dù sao vào viện mà có người nhà là bác sĩ vẫn tốt hơn chứ. ...
Quét Virus: An toàn